Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

ĐIỀU TRỊ VẨY NẾN BẰNG TÂY Y



Tây y điều trị bệnh vẩy nến

Bệnh vảy nến là tình trạng viêm mạn tính của da do nhiều yếu tố tác động lên cơ chế bệnh sinh bao gồm yếu tố về gen, các yếu tố kích hoạt (vi khuẩn, virut, thuốc, stress...), hệ miễn dịch với vai trò của lympho T, các cytokine... gây ra tình trạng quá sản và rối loạn phát triển của tế bào sừng.
Bệnh chiếm tỷ lệ khoảng 2,5% dân số thế giới nhưng tỷ lệ cao hơn ở người châu Âu - Mỹ, thấp hơn ở người châu Á - Phi, trong đó thể bệnh trung bình và nặng chiếm khoảng gần 30%. Bệnh ít khi gây tử vong nhưng ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, khả năng sinh hoạt, lao động của người bệnh. 


Gần đây, với việc tìm ra nhiều yếu tố liên quan đến cơ chế sinh bệnh vảy nến, đặc biệt vai trò quan trọng của hệ miễn dịch với sự tham gia của tế bào lympho T đã tìm ra một hướng mới trong điều trị vảy nến, đó là các thuốc sinh học có tác dụng cắt đứt tương tác tế bào lympho T và các thành phần liên quan khác.

Điều trị bệnh vảy nến bằng các chế phẩm sinh học nhằm ngăn chặn quá trình di chuyển của tế bào trình diện kháng nguyên tới hạch bạch huyết, hoặc ngăn lympho T hoạt hóa, hoặc cản trở quá trình tương tác giữa tế bào lympho T và APC... theo cơ chế miễn dịch ở trên. 

Thuốc sinh học (biological drugs) là các thành phần của cơ thể sống hoặc là sản phẩm tạo ra từ cơ thể sống được sử dụng để phòng ngừa hoặc điều trị bệnh. Có 5 chế phẩm sinh học chính sau đây được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị vảy nến là efalizumab, alefacept, etanercept, infliximab và adalimumab.

Efalizumab (raptiva) là một kháng thể đơn dòng tái tổ hợp từ IgG1 của người, được FDA chứng nhận vào năm 2003 để điều trị vảy nến thể mảng vừa và nặng, dai dẳng, và khuyến cáo dùng cho các trường hợp không dùng được các thuốc điều trị vảy nến nhóm kháng TNF alpha. Thuốc không có chỉ định cho vảy nến thể khớp vì ít có tác dụng so với các thuốc sinh học khác.

Khi dùng thuốc này, thông thường bệnh sẽ đáp ứng ở tuần thứ 4-8. Các trường hợp không đáp ứng dễ xảy ra hiện tượng bùng phát trở lại, do vậy không tiếp tục dùng nếu trong vòng 12 tuần mà không đạt được kết quả điều trị. Tuy nhiên thuốc có thể gây đau đầu, mệt mỏi, sốt, lạnh run, tăng men Alkaline phosphatase, nhiễm khuẩn, nhưng nghiêm trọng nhất là giảm tiểu cầu. 

Ngoài ra có thể gặp hiện tượng vảy nến bùng phát trong tuần điều trị thứ 6 - 12 hoặc tái bùng phát khi dừng thuốc. Một số trường hợp u ác tính, tăng sản bạch cầu và nhiễm trùng cơ hội cũng đã được báo cáo ở bệnh nhân vảy nến điều trị bằng efalizumab. Không dùng trong các trường hợp mẫn cảm với thuốc, có thai. Lưu ý với người già, suy giảm miễn dịch, giảm tiểu cầu, dùng vaccin sống, đang bị các bệnh nhiễm trùng.

Alefacept (amevive) được FDA chấp thuận vào năm 2003. Đây là thuốc đầu tiên trong nhóm có nguồn gốc sinh học được công nhận điều trị vảy nến với hiệu quả kéo dài.

Tác dụng phụ thông thường có thể gặp: đau đầu, ngứa, viêm mũi - họng, tăng nguy cơ nhiễm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp trên. Các tác dụng phụ nghiêm trọng gồm: giảm bạch cầu, nhiễm trùng nặng, suy chức năng gan (do nhiễm virut viêm gan), bệnh ác tính... tuy nhiên rất hiếm gặp.

Chống chỉ định cho những trường hợp mẫn cảm với thuốc, người có HIV, thận trọng với người đang mắc các bệnh nhiễm trùng, dùng vaccin sống, có tiền sử các bệnh ác tính, phụ nữ có thai.

Etanercept được FDA chấp thuận điều trị vảy nến mảng vừa và nặng từ năm 2004. Thuốc này còn được dùng điều trị thấp khớp, vảy nến thể khớp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên tiến triển.

Trước khi dùng thuốc nên xét nghiệm công thức máu, máu lắng, ure, creatinin máu, men gan, Xquang ngực, virut viêm gan C và kiểm tra lại sau 3 tháng điều trị.

Tác dụng phụ thường gặp là: phản ứng tại chỗ, ho, nhức đầu. Các tác dụng phụ nặng hơn có thể gặp như nhiễm trùng nặng, thiếu máu, giảm bạch cầu, bệnh bạch cầu ác tính, suy tim tiến triển...

Infliximab được FDA chấp thuận điều trị vảy nến mảng dai dẳng vừa và nặng từ năm 2006. Ngoài ra còn được điều trị trong viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, viêm cột sống dính khớp, vảy nến thể khớp. Do tác dụng nhanh chóng nên infliximab được chỉ định trong các tình trạng cấp tính và cần cải thiện nhanh như đỏ da toàn thân, vảy nến thể mủ, vảy nến khớp.

Tác dụng phụ thường gặp là nhức đầu, ngứa ngáy, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Hiện tượng xuất hiện kháng thể kháng infliximab cũng gặp và làm giảm hiệu lực của thuốc. Nghiêm trọng là biểu hiện vượng phát suy tim, bệnh lao, nấm, viêm gan, hội chứng giả lupus... Cần ngưng điều trị bằng infliximab nếu men gan tăng từ 5 lần trở lên.

Chống chỉ định trong các trường hợp mẫn cảm với các thành phần của thuốc, suy tim tiến triển độ 3 - 4. Thận trọng với phụ nữ có thai.

Adalimumab được FDA chấp thuận từ đầu năm 2008. Chỉ định điều trị tương tự như infliximab. Các xét nghiệm khuyến cáo nên làm là Xquang, công thức máu, chức năng gan, viêm gan B, b- HCG. Tác dụng phụ bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm, đau đầu, viêm mũi - họng, viêm đường hô hấp, tăng triglycerid, mệt mỏi. 

Các biểu hiện có thể gặp là nguy cơ nhiễm trùng nặng, nhiễm lao hoặc tái bùng phát, nhiễm nấm, hội chứng giả lupus, nguy cơ bệnh ác tính, thiếu máu. Cần thận trọng với các trường hợp có bệnh tim mạch, mang thai.

Như vậy thế hệ của các loại thuốc sinh học đang được ứng dụng và còn tiếp tục được nghiên cứu, phát triển để điều trị hiệu quả nhiều bệnh có liên quan đến cơ chế miễn dịch trong đó có bệnh vảy nến nhằm đạt hiệu quả cao hơn, giảm tác dụng phụ, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Theo Sức khỏe và Đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét